Thông tin cần biết

Ban vì sự tiến bộ PN  »  Thông tin cần biết


Tự hào Nhà giáo Việt Nam

 

Sự ra đời của “Ngày Nhà giáo Việt Nam” gắn liền với lịch sử của tổ chức giáo giới tiến bộ trên thế giới. Để bảo vệ quyền lợi chân chính của các nhà giáo, tháng 7 năm 1946, Liên hiệp quốc tế các Công đoàn giáo giới được thành lập ở Pari (thủ đô nước Pháp). Năm 1954, với nòng cốt là các nhà giáo Xã hội Chủ nghĩa đã nhất trí thông qua bản “Hiến chương các Nhà giáo”. Tại Hội nghị quốc tế các nhà giáo lần thứ 2 (tháng 8/1957) đã quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là “Ngày quốc tế Hiến chương các Nhà giáo”. Kể từ đó ngày 20/11 đã khắc sâu trong tiềm thức và tình cảm của các thế hệ Nhà giáo Việt Nam.

Với truyền thống văn hóa, đạo lý của dân tộc và thể hiện nguyện vọng, tình cảm của đội ngũ nhà giáo, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT, lấy ngày 20 tháng 11 hằng năm là “Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Quyết định đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và nhà nước, sự tôn vinh của nhân dân đối với những người làm nghề dạy học. Ngày Nhà giáo 20 tháng 11 thực sự là dịp để các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân quan tâm hơn tới giáo dục - đào tạo. Đây cũng là dịp để nhân dân và các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn đối với thầy giáo, cô giáo dạy dỗ con em mình. Đó cũng là ngày hội lớn của các Nhà giáo Việt Nam.  

Hiếu học và tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, gắn liền với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, nhân dân ta ai cũng nhớ và thuộc câu ca “Muốn sang thì bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ thì yêu mến thầy”; “Không thầy đố mày làm nên”. Do vậy, kể từ ngày đất nước giành độc lập, trong suốt những chặng đường đấu tranh cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo, coi trọng sự nghiệp giáo dục, coi trọng thầy giáo, cô giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Nhiệm vụ của các thầy cô giáo là rất quan trọng và vẻ vang”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã từng nói “ Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Nghề sáng tạo nhất vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”.

Trong không khí cả nước kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hôm nay, chúng ta cùng ôn lại truyền thống của Nhà giáo Việt Nam trong lịch sử dân tộc dựng nước và giữ nước. Tiêu biểu là nhà giáo Chu Văn An không chỉ là bậc túc Nho thông tuệ mà còn nổi tiếng về khí tiết, từng dâng Thất trảm sớ đòi xử chém 7 gian thần hại nước, hại dân. Nhà giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm không màng danh lợi đã lui về mở trường dạy học và đào tạo được rất nhiều nhân tài cho đất nước. Cuối thế kỷ 19, khi Thực dân Pháp xâm lược, cụ Đồ Chiểu - người từng lấy việc dạy người cao hơn dạy chữ đã nêu một tấm gương sáng ngời về tinh thần bất hợp tác với kẻ thù, khảng khái cự tuyệt trước âm mưu mua chuộc của Thực dân Pháp. Những năm đầu thế kỷ 20, Thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học ở trường Dục Thanh, vì yêu nước, thương dân mà dành trọn đời tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Người là hiện thân cho sự kết tinh những giá trị văn hóa và tinh thần của dân tộc và của nhân loại, trở thành Nhà giáo Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh. Trong bức thư cuối cùng gửi cho thầy và trò, Người còn căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”. Nhiều nhà giáo được Đảng và Nhà nước đào tạo, bồi dưỡng trở thành những cán bộ, giữ trọng trách của Đảng, Nhà nước, quân đội. 

Song, chúng ta không thể không ghi nhớ công lao của các thế hệ nhà giáo vô danh đã không ngừng khai tâm, mở trí cho các thế hệ học trò. Các thế hệ Nhà giáo Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, từ những lớp Bình dân học vụ diệt giặc dốt đến những lớp học ban đêm, những lớp học dưới hầm sâu, dưới tầm bom đạn Mỹ, chúng ta đã xây dựng nên một nền giáo dục thời đại mới. Hòa cùng đội ngũ giáo giới cả nước, hàng ngàn thầy giáo, cô giáo đã “xếp bút nghiên” hăng hái lên đường đánh Mỹ và góp sức xây dựng sự nghiệp giáo dục ở miền Nam. Nhiều thầy giáo, cô giáo và học sinh đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho cách mạng. Năm 1968, Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, Công đoàn Giáo dục đã vận động nhà giáo tổ chức giảng dạy, tham gia quản lý nhà trường phù hợp với tình hình thời chiến và làm tròn nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, hàng ngàn giáo viên lần lượt lên đường vào Nam trực tiếp cầm súng bảo vệ tổ quốc. Lực lượng nhà giáo cách mạng ở vùng giải phóng và vùng tạm chiếm luôn luôn là những chiến sĩ ngoan cường, dũng cảm, không quản ngại gian khổ, hy sinh để xây dựng, duy trì và phát triển sự nghiệp giáo dục. Nhiều nhà giáo đã lập công xuất sắc, trong đó nhiều người đã anh dũng hy sinh mà ngày nay nhân dân, giáo viên và học sinh miền Nam mãi ghi nhớ, biết ơn. Nhiều nhà giáo đã tích cực đóng góp công sức của mình cho giáo dục miền Nam, được đồng bào hết sức trân trọng.

Cùng với việc chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp giáo dục miền Nam, trong điều kiện giặc Mỹ đánh phá ác liệt, đội ngũ nhà giáo vẫn miệt mài, ngày đêm bám trường bám lớp, khắc phục muôn vàn khó khăn, sơ tán, phân tán trường học, đào hầm hào đảm bảo an toàn cho thầy và trò.  “Người chiến sĩ” trên mặt trận giáo dục đã không quản ngại hy sinh để bảo vệ và duy trì việc học tập cho con em, tiêu biểu là Nhà giáo - Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân ở Thái Bình,... Nhiều nhà giáo đã vượt qua bom rơi đạn lửa để đến trường dạy học. Hàng ngàn cán bộ, giáo viên đã tình nguyện sẵn sàng đến công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, từng ngày, từng giờ đem ánh sáng văn hóa đến với đồng bào dân tộc ở khắp mọi miền Tổ quốc. Nhiều nhà giáo đã lập công xuất sắc trở về tiếp tục đứng trên bục giảng để giảng tiếp bài học còn dang dở bởi chiến tranh; nhiều nhà giáo khác vượt qua khó khăn, chiến đấu với bệnh tật, di chứng của chiến tranh, viết nên pho sử vàng về truyền thống anh hùng, lòng yêu nước, sự hy sinh xả thân vì nghĩa lớn của các thầy giáo, cô giáo, những người thầy cầm súng. Chúng ta nghiêng mình cảm phục và tri ân những tấm gương Nhà giáo - Chiến sĩ đã góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975 giành độc lập tự do cho dân tộc và tham gia xây dựng nền giáo dục giải phóng ở miền Nam.

32 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, đội ngũ thầy giáo, cô giáo luôn là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội. Do hậu quả của chiến tranh, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước gặp muôn và khó khăn, song các thầy giáo, cô giáo vẫn bền bỉ, say mê và thủy chung với sự nghiệp Trồng người. Thời kỳ hội nhập và phát triển đã tạo tiền đề tốt cho phát triển GD&ĐT. Những năm qua, bám sát nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, ở mỗi thời kỳ, đội ngũ nhà giáo luôn gương mẫu hưởng ứng thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” do Bác Hồ phát động, đóng góp to lớn trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo biết bao thế hệ học trò trở thành những cán bộ chủ chốt của Đảng, nhà nước, những nhà khoa học, những chiến sĩ anh dũng bảo vệ Tổ quốc, an ninh trật tự, an toàn xã hội, những công dân có ích,... Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng truyền thống yêu nước và sẵn sàng “Tất cả vì học sinh thân yêu” đã được thắp sáng mãi theo thời gian và năm tháng.

Hiện cả nước có gần 1,3 triệu cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp học. Được Đảng, nhà nước và nhân dân chăm lo, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục luôn nêu cao phẩm chất đạo đức, tận tâm với nghề, đổi mới sáng tạo trong giảng dạy và quản lý, tích cực tự học, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới. Nhiều phong trào thi đua được đông đảo đội ngũ nhà giáo và nhân dân trong cả nước hưởng ứng tích cực. Mạng lưới trường lớp không ngừng tăng lên, số học sinh đến lớp ngày càng đông. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng học sinh yếu, học sinh bỏ học từng bước được khắc phục. Số học sinh giỏi ngày càng tăng. Các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia, quốc tế đều đạt kết quả tốt

Từ phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “ Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã xuất hiện thêm nhiều tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua “Hai tốt”, trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, tự học, sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học, đổi mới công tác quản lý; không chỉ là những tấm gương tận tụy, gương mẫu về đạo đức, tác phong, lối sống cho đồng nghiệp và học sinh noi theo, mà các thầy, cô giáo còn nỗ lực vượt qua biết bao khó khăn, gắn bó, tâm huyết với nghề; tích cực tìm tòi, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng trong từng giờ giảng, vừa nâng tầm trí tuệ, nhận thức, vừa bồi đắp tâm hồn và thắp lửa nhiệt tình, làm sáng mãi tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ học trò, để một ngày mai các em trở thành những công dân có ích cho xã hội.  

Ngày 13/11/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và trao tặng danh hiệu cho 39 Nhà giáo Nhân dân, 680 Nhà giáo Ưu tú. Thay mặt Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước đã nhiệt liệt chúc mừng thành tích của GD&ĐT nước nhà, và trân trọng cảm ơn những đóng góp của các Nhà giáo lão thành, nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, các nhà giáo tiêu biểu, các thế hệ cán bộ quản lý, cùng hơn một triệu Nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên toàn ngành đã viết nên bảng vàng thành tích ngày hôm nay. Đó là những đóng góp to lớn điểm tô thêm truyền thống tốt đẹp của giáo dục - đào tạo Việt Nam, tạo tiền đề vững chắc cho tương lai giáo dục - đào tạo nước nhà. Đồng thời trân trọng cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của các Bộ, ban ngành, đoàn thể, các địa phương, các tổ chức, cá nhân, của nhân dân các dân tộc trong cả nước đã hết lòng chăm lo cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo ngày càng phát triển.

Phát huy truyền thống ngày Nhà giáo Việt Nam và kết quả giáo dục - đào tạo trong những năm qua, trong thời gian tới, toàn ngành tiếp tục triển khai Nghị quyết hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; thực hiện hiệu quả những chủ trương đổi mới trong giáo dục - đào tạo, với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng cho công cuộc đổi mới đất nước; thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, đặc biệt nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, rèn kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành cho học sinh, sinh viên; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện. Tiếp tục xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, coi đây là bước đột phá để nâng cao chất lượng giáo dục.

Nhân kỷ niệm 32 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, Công đoàn Giáo dục các cấp cùng với chuyên môn tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, kịp thời động viên các thầy giáo, cô giáo phát huy truyền thống tốt đẹp của Nhà giáo Việt Nam, rèn luyện phẩm chất và năng lực, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo; thường xuyên nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tích cực tự học, tự bồi dưỡng và không ngừng đổi mới tư duy, sáng tạo trong giảng dạy và công tác. Mỗi nhà giáo, mỗi cán bộ quản lý giáo dục hãy rèn luyện để đạt được những chuẩn mực về trình độ nghề nghiệp, tác phong, lối sống, trong lời nói, việc làm và nâng cao vị thế, thanh danh Nhà giáo; luôn yêu nghề, mến trẻ, thương yêu đồng chí, đồng nghiệp, với tấm lòng “Tất cả vì học sinh thân yêu”, vì tương lai tươi sáng của dân tộc.

 Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch CĐGD Việt Nam


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  2,089,706       1/836